Dù bạn có yêu thích hay không, hoa văn kẻ ô là một trong những họa tiết phổ biến nhất của ngành thời trang hiện đại. Từ Alexander McQueen đến Vivienne Westwood, những nhà thiết kế say mê các đường kẻ sọc, chéo cùng phong cách Preppy, Punk hay Grunge được định hình đi kèm với nó. Hãy cùng tìm hiểu về lịch sự thăng trầm và các kiểu sọc khác nhau của họa tiết này:


1. Nguồn gốc và những biến động
Bắt đầu từ những năm 1500s, họa tiết tartan, một kiểu vải hoa văn riêng biệt của người Scotland sáng tạo nên dùng để phân biệt các gia tộc hay người ở những vùng miền khác nhau. Mỗi gia đình, mỗi vùng miền có một kiểu sọc và màu sắc đặc trưng, vì thế có đến hàng ngàn họa tiết tartan khác nhau.

Vào thể kỷ 18, họa tiết tartan bị cấm ở Anh do sự nổi dậy của người Scotland vào năm 1745. Mãi cho đến năm 1782, họa tiết này mới được hợp pháp hóa và trở nên thịnh hành hơn khi được sử dụng trên trang phục cho những dịp quan trọng.

Đến thế kỷ 19, họa tiết kẻ ô đã thực hiện một bước nhảy vọt từ Châu Âu đến Mỹ. Năm 1850, công ty Woolrich Woolen Mills đã sáng tạo ra kiểu kẻ sọc Buffalo, với những ô màu đỏ và đen được sử dụng phổ biến cho giới thợ xẻ gỗ.

Tiếp đó, vào năm 1924, công ty Pendleton đã cho sản xuất hàng loạt kiểu áo sơ-mi kẻ sọc cho nam giới rất được ưa chuộng. Vào mùa đông năm 1936, một thị trấn nhỏ của Cedar Springs bắt đầu sản xuất những chiếc áo nỉ với họa tiết kẻ ô. Năm 1949, với sự thịnh hành và phát triển của hoa văn này, công ty Pendleton tiếp tục cho sản xuất kiểu áo sơ-mi kẻ sọc dành cho nữ.
Sau nhiều thập kỷ phát triển, vào những năm 1970, họa tiết kẻ ô ngày càng trở nên phổ biến hơn và nổi loạn hơn. Yếu tố mộc mạc, giản dị của hoa văn này bắt đầu mang tính dục khi cô đào của bộ phim The Dukes of Hazard’s Daisy thắt gấu chiếc áo sơ-mi kẻ ô trên eo cùng chiếc quần shorts nóng bỏng. Tiếp đó là sự nổi lên của phong trào nhạc Punk gắn liền với hình ảnh của những chiếc áo sơ-mi kẻ ô. Bị thúc đẩy bởi các hiện tượng văn hóa, xã hội, nhà thiết kế thời trang Vivienne Westwood đã lấy cảm hứng từ phong cách Punk kết hợp cùng họa tiết kẻ ô và trở nên nổi tiếng hơn.

Những chiếc áo sơ mi nỉ kẻ sọc trở thành biểu tượng không chính thức của phong trào Grunge trong đầu những năm 1990. Các ban nhạc như Nirvana, The Breeders và Pearl Jam đã khuấy đảo thời trang mang phong cách Grunge. Nhà thiết kế Marc Jacobs đã khởi xướng cảm hứng Grunge cho bộ sưu tập thời trang vào mùa xuân năm 1993 của mình. Phong cách của Cher trong bộ phim Clueless năm 1995 và chiếc váy kẻ sọc siêu ngắn cùng áo len màu xanh của Liv Tyler trong bộ phim Empire Records không lâu sau đó đã đưa họa tiết kẻ ô trở thành một biểu tượng, một xu hướng của thời đại.

Và ngày nay, sau nhiều biến động, ngành thời trang không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của họa tiết kẻ ô. Từ mùa Thu - Đông 2013, họa tiết này lại gây "cơn sốt" kéo dài đến tận mùa Thu - Đông 2014 với sự thể hiện đa dạng từ khắp các sàn diễn đến thời trang đường phố và sẽ luôn được các tín đồ thời trang yêu thích.


2. Phân loại các dạng kẻ sọc
Ngoài hoa văn tartan phổ biến, họa tiết kẻ sọc có rất nhiều kiểu dáng, biến thể phong phú, phù hợp với nhiều kiểu trang phục, phong cách cũng như mục đích sử dụng khác nhau:
<font color="#333333">- Tartan: là một kiểu kẻ sọc cổ điển xuất xứ từ Scotland, sử dụng những màu sắc sáng và tối, với những đường sọc ngang, dọc khác nhau về độ rộng.
- Madras: là một loại kẻ sọc vuông với nhiều màu sắc tươi sáng trên vải cotton nhẹ. Có xuất xứ từ vùng Madras, Ấn Độ được các sĩ quan người Anh mang về vào năm 1800.
- Glen: là những ô nhỏ và lớn tạo thành kiểu hoa văn giống houndstooth, có xuất xứ từ Glen Urquhart, Scotland.
- Buffalo: gồm những ô vuông lớn tạo thành caro với hai màu sắc xem kẽ. Phổ biến nhất là màu đỏ và đen.
<font color="#333333">- Gingham: là một kiểu kẻ sọc đơn giản, tạo thành những ô vuông nhuyễn. Thường chỉ có hai màu kết hợp, và một trong đó là màu trắng.
<font color="#333333">- Tattersall: gồm những đường kẻ mảnh chạy dọc, ngang tạo thành mạng lưới với khoảng cách đồng đều trên một lớp màu nền.
</font></font></font>
Nguồn: vnLOOKBOOK.com