Liệu có tình trạng ‘bình mới rượu cũ’ trong các môn học? Bài toán cơ sở vật chất, năng lực người thầy được giải quyết ra sao cho chương trình phổ thông mới?

Apple bị kiện vì điều kiện sống “khủng khiếp” tại nhà máy Trung Quốc
Nokia tung loạt quà “khủng” kéo khách mua smartphone

Dự thảo chương trình môn học phổ thông mới do Bộ GD-ĐT vừa công bố đang thu hút sự quan tâm của dư luận.



Mặc dù Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và nhiều đại diện ban soạn thảo chương trình đều khẳng định điểm mới, cái hay và sự thành công của công cuộc đổi mới lần này, dư luận không khỏi băn khoăn khi mọi nền tảng để thực hiện chương trình mới còn rất mơ hồ.

Bài toán cơ sở vật chất trường lớp quá nan giải

Cơ sở vật chất trường lớp trên cả nước hiện đang thiếu thốn và xuống cấp trầm trọng. Để thực hiện được chương trình mới, dự kiến xây dựng đầu tư khoảng 57.084 phòng học, chưa kể phòng bộ môn, thư viện, trang thiết bị dạy học…

Đó là những con số được đưa ra trong hội nghị hôm 20-1 triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Tiền đâu để hoàn thành trách nhiệm lớn lao thay đổi bộ mặt trường lớp như thế?

Ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục có hạn, công tác xã hội hóa giáo dục vẫn đang vấp phải nhiều tranh cãi. Vậy mà, yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình mới là học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày hoặc tối thiểu là 6 buổi/tuần, sĩ số 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở trung học và lớp học phải đảm bảo bảo điều kiện kê bàn ghế theo nhóm…

Khoảng cách giữa điều kiện cần và thực tế khó khăn như vậy làm sao lấp đầy? Trong khi đó chương trình mới sẽ chính thức áp dụng theo hình thức cuốn chiếu từ cấp tiểu học vào năm 2019, nghĩa là chúng ta chỉ còn hơn một năm để chạy đua chuẩn bị cơ sở vật chất.

Nỗi lo “bình mới rượu cũ” trong các môn học

Nội dung môn học cụ thể dự kiến sẽ được Bộ GD-ĐT công khai vào tháng 4-2018. Đại diện chủ biên các bộ môn khẳng định: Văn hết thuộc lòng, Toán gắn thực tiễn, đích đến của môn Tiếng Anh là khả năng giao tiếp…

Sẽ là quá hoàn hảo nếu chương trình mới thật sự giảm tải kiến thức hàn lâm, bớt đi các bài toán đánh đố, học ngoại ngữ để thực hành giao tiếp…Nhưng giảm đi kiến thức này lại thêm vào kiến thức khác.

Chẳng hạn ở môn Ngữ Văn, chỉ cần nhìn vào số lượng tác phẩm được gợi ý đưa vào chương trình cũng đủ thấy sức ép lớn khi nhiều văn bản ở lớp trên chuyển xuống lớp dưới và khá nhiều văn bản mới buộc thầy trò phải đọc – hiểu để cảm nhận, phân tích, bình giảng…

Vấn đề không nằm ở khối lượng kiến thức nhiều hay ít, quyển sách giáo khoa dày hay mỏng mà quan trọng là thay đổi cách dạy và cách học. Nếu cứ ôm đồm kiến thức và đặt mục tiêu cần đạt ở mỗi bài học quá cao thì tình trạng học thuộc lòng văn mẫu, học theo kiểu “thầy đọc – trò chép” vẫn xảy ra.

Và tất nhiên, những môn học mang tên gọi mới nhưng “hình hài” cũ xưa thì chẳng khác gì “bình mới rượu cũ”!

Người thầy đang ở đâu trong chương trình mới?

Nhân tố con người đóng vai trò quyết định sự thành bại của bất kỳ công cuộc đổi mới nào. Người thầy chính là người chuyển tải những thông điệp tư tưởng tích cực của chương trình mới đến người học.

Tuy nhiên, nỗi lo về năng lực của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới là có cơ sở.

Theo Bộ GD-ĐT, giải pháp để đào tạo “người thầy tích hợp” dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là bồi dưỡng các tín chỉ để giáo viên đơn môn vẫn có thể đứng lớp dạy đa môn.

Điều này e có phần khiên cưỡng bởi lâu nay giáo viên vốn được đào tạo chuyên sâu một môn học. Nay chỉ dựa vào một vài lớp tập huấn, bồi dưỡng mà “bắt cóc bỏ dĩa”, ép giáo viên trở thành “thầy giáo ba trong một”, “thầy giáo hai trong một”, ai sẽ chịu trách nhiệm về hiệu quả giảng dạy và chất lượng giáo dục?

Đại diện Ban soạn thảo luôn luôn khẳng định rằng để thực hiện chương trình mới theo hình thức cuốn chiếu từ năm 2019 thì Bộ GD-ĐT đã tính toán, rà soát đội ngũ giáo viên phổ thông và thiết kế lộ trình tập huấn và đào tạo giáo viên phổ thông.

Tuy nhiên, ngoại trừ các giáo viên cốt cán và chuyên gia đầu ngành tham dự các buổi hội thảo, hội nghị về chương trình mới, phần lớn giáo viên phổ thông hiện nay vẫn rất mơ hồ về những đổi thay trong một năm tới.

Thậm chí một bộ phận không nhỏ giáo viên phổ thông rất thờ ơ với công cuộc đổi mới giáo dục lần này. Họ vẫn đang thực hiện giảng dạy theo chương trình hiện hành và chưa hề có một bước khởi động nào cần thiết để tiếp nhận cái mới.

Có giáo viên còn chưa thể tin vào chuyện “3 thầy 1 sách” và khẳng định giáo viên Lịch sử không thể dạy Địa lý, giáo viên Vật lý không thể kiêm nhiệm Hóa học, Sinh học.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên tiểu học đang thiếu trầm trọng trong khi giáo viên trung học lại thừa. Phải giải quyết ra sao?

Lý thuyết vỗn dĩ rất hay và dễ dàng phát biểu. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy hết sự khó khăn, chông chênh.

Không phải người dân không mong muốn cải cách, đổi mới trong giáo dục, nhưng rõ ràng thách thức đặt ra không hề ít với công cuộc “thay sách” lần này.

Khi mọi nền tảng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên còn lung lay và tư tưởng đổi mới còn chưa nhuần thấm vào từng con người trực tiếp thực hiện chương trình mới thì cái đích đến của giáo dục khai phóng, thực học, thực nghiệp còn xa lắm…